Để có thành phẩm bánh nướng thơm ngon thì nước đường quyết định đến 80 %. Nước đường thường được nấu trước ít nhất 4 tuần thì mới được đem ra sử dụng. Nước đường càng để lâu thì vỏ bánh càng mềm mại, có màu đẹp, đồng thời hương vị sau khi nướng cũng ngon hơn.
Vì vậy, mọi người thường nấu nước đường trước 6 tháng, hoặc nấu từ mùa Trung thu trước. Các bước nấu nước đường chi tiết như sau:
Nguyên liệu:
- 1 kg đường (800 g đường tinh luyện trắng + 200 g đường vàng)
- 650 g nước
- 20 g nước cốt chanh
- 2 miếng dứa đã gọt vỏ (60 g)
Cách làm:
Bước 1: Thắng caramen
Đầu tiên, bạn bắc nồi lên bếp, cho 200 g đường và 50 g nước vào nồi, đun lửa to.
Khi hỗn hợp sôi thì bạn hạ lửa nhỏ. Bạn đun đến khi hỗn hợp chuyển thành màu cánh gián thì cho 20 g nước cốt chanh vào.
Trong quá trình thắng đường, bạn không nên khuấy, đường sẽ tự tan.
Bước 2: Nấu nước đường
Tiếp theo, bạn đổ tiếp 600 g nước sôi vào nồi rồi thêm 800 g đường trắng, đun trên lửa to. Khi hỗn hợp sôi thì hạ lửa và thêm dứa vào.
Trong quá trình nấu, bạn không khuấy để tránh bị lại đường. Nếu có bọt thì bạn dùng thìa hớt nhẹ bọt ra ngoài.
Bước 3: Hoàn thành
Nước đường nấu xong, bạn để nguội rồi dùng thìa múc vào lọ đã được tiệt trùng và đậy kín. Bạn lưu ý không đậy kín lọ nước đường khi còn ấm, vì hơi nước đọng ở nắp lọ sẽ làm nước đường bị mốc.
Yêu cầu thành phẩm cho một lọ nước đường hoàn hảo là nước đường được nấu vừa đủ, có độ sánh vừa phải không loãng cũng không đặc. Nếu nước đường loãng sẽ làm bánh dễ bị chảy xệ khi nướng. Nếu nước đường đặc sẽ khó nhồi bột, làm bánh bị khô, nứt khi nướng.
Nướng đường nấu chuẩn là bạn đã thành công đến 60 % trong cách làm bánh Trung thu rồi.
Thông thường, nước đường được nấu trong khoảng 50 – 60 phút. Tuy nhiên tùy vào độ to nhỏ, cao thấp, dày mỏng của nồi mà thời gian nấu có thể thay đổi. Có 3 cách để bạn có thể kiểm tra nước đường nấu đã đạt hay chưa.
Cách thứ nhất là kiểm tra lượng đường thu được. Thành phẩm nước đường đạt sẽ là 1.25 kg. Trước khi nấu, bạn hãy cân trọng lượng của nồi, sau khoảng 50 phút thì bạn cân cả nồi nước đường rồi trừ đi trọng lượng ban đầu. Nếu trọng lượng nước đường lớn hơn 1.25 kg thì bạn hãy đun thêm nhé.
Cách thứ hai là bạn thử độ căng mặt và cô đọng của nước đường. Bạn lấy đũa hoặc thìa chấm vào nước đường rồi nhỏ 1 giọt nước đường vào một mặt đĩa phẳng. Nước đường nếu đạt thì khi nhỏ xuống đĩa sẽ chỉ hơn lan rộng ra nhưng vẫn có độ căng lên của giọt nước. Nếu giọt nước đường lan nhanh thì nước đường loãng, còn giọt nước đường cô đặc nhanh thì nước đường quá đặc.
cách làm bánh Trung thu
Cách thứ ba là bạn thử độ hòa tan trong nước. Tương tự, bạn cũng thử với giọt nước đường nhưng bây giờ bạn nhỏ giọt nước đường này vào một bát nước. Nếu nước đường rơi dần xuống đáy và lan thành hình tròn tức là nước đường nấu vừa đủ. Nước đường tan quá nhanh hoặc chìm ngay xuống đáy, tạo thành viên tròn tức là vẫn còn loãng hoặc quá đặc.
Một số lưu ý để nấu nước đường thành công:
Bạn có thể chỉ sử dụng đường trắng, đường vàng hoặc trộn 2 loại đường này với nhau. Nước đường có đường vàng sẽ có màu nâu đậm hơn và bánh thành phẩm cũng sẽ sẫm và đẹp màu hơn so với nước đường chỉ nấu từ đường trắng. Tuy nhiên, hương vị và thời gian bảo quản là như nhau.
Nếu nước đường loãng thì bạn hãy nấu thêm rồi tiếp tục kiểm tra xem nước đường đạt hay chưa, còn nếu nước đường quá đặc, bạn cần thêm nước sôi và tiếp tục nấu nhé.
Nước đường sau khi cho vào lọ bị cô đặc lại thì bạn hay ngâm vào nước sôi, sau đó thêm nước sôi vào tiếp tục nấu cho đến khi đạt.
Nếu nước đường xuất hiện các hạt đường thì bạn hãy thêm nước chanh và nấu lại nhé.
Ngoài ra, bạn có thể thêm mạch nha và nước tro tàu để nước đường mềm và sánh hơn, vì thế vỏ bánh cũng mềm hơn. Bạn nên sử dụng mạch nha trắng, dạng lỏng hơi sánh. Đối với nước tro tàu thì nên sử dụng loại nước tro tàu tự nhiên để tránh gây hại cho sức khỏe. Nếu sử dụng thì bạn cho vào hỗn hợp nước đường từ 10 – 15 phút trước khi tắt bếp nhé.
Tuy nhiên, đây là những nguyên liệu không bắt buộc. Nếu không có chúng thì bánh nướng sau 1 – 2 ngày vẫn xuống màu đẹp và vỏ bánh vẫn mềm mại.